Giá thép tăng mạnh so với đầu năm
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tháng 3/2017, các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất nên hoạt động ngành thép đều có mức tăng mạnh hơn so với tháng 1 và 2/2017.
Hiện giá thép trong nước đã tăng khoảng 400.000 - 600.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1/2017.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho biết, hiện giá bán thép tại các nhà máy dao động trong khoảng 10,6 - 11,2 triệu đồng/tấn. Giá thép tăng do thị trường nguyên liệu và giá thép thế giới tăng.
Giá phôi thép nội địa tăng, các nhà phân phối mua hàng để đáp ứng một phần nhu cầu tháng 2 và đầu cơ chuẩn bị bán trong tháng 3, đặc biệt ở khu vực phía Bắc cũng là nguyên nhân đẩy giá thép tăng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, ở thị trường trong nước, giá thép phế sau khi giảm trong nửa đầu tháng 2/2017 đã chuyển hướng tăng. Đến đầu tháng 3, giá thép phế ở mức 285 - 290 USD/tấn, tăng 15 - 20 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2/2017.
Giá phôi thép có mức tăng từ 20 - 25 USD/tấn, cao hơn mức tăng của thép phế. Mức giá đến đầu tháng 3/2017 là 430 - 440 USD/tấn. Tương ứng với đó, giá phôi thép nội địa đạt mức tăng mạnh từ 9.600 - 9.800 đồng/kg và cuối tháng 2, đầu tháng 3 đã tăng lên 10.200 đồng/kg.
Thép cuộn cán nóng cũng duy trì ở mức cao, hiện là 515 - 523 USD/tấn. Trong khi đó, mức giá cao nhất ghi nhận trong năm 2016 là 528 USD/tấn vào thời điểm cuối năm.
Trong tháng 2/2017, sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA đạt hơn 1,53 triệu tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2016, tăng 11,4% so với tháng trước. Bán hàng các sản phẩm thép các loại tháng 2/2017 đạt hơn 1,43 triệu tấn, tăng 73,8% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ 2016.
Cũng theo VSA, xuất khẩu các sản phẩm thép các loại trong tháng 2 đạt hơn 267.700 tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 6,6% so với tháng trước. VSA dự báo, sản lượng bán hàng trong tháng 3/2017 sẽ tiếp tục tăng hơn so với tháng 2.
Theo VSA, trong năm 2017, thị trường thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn, bởi hiện Mỹ đang điều tra vụ kiện chống lẩn tránh thuế tại Việt Nam có liên quan đến việc nghi ngờ thép Trung Quốc giá rẻ “đội lốt” hàng Việt để xuất sang Mỹ. Điều này sẽ khiến hàng Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là với mặt hàng tôn mạ. Năm 2016, thị trường Mỹ chiếm tới 27% lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho rằng, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam dù chưa phải đủ mạnh và giàu kinh nghiệm nhưng vẫn có khả năng để đấu tranh phòng vệ trong bối cảnh hội nhập những năm tới.
Quan trọng là các doanh nghiệp khi bị cơ quan nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, phải có tinh thần hợp tác cao, kiên trì, không được tránh né. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để sẵn sàng trong quá trình điều tra, chuẩn hóa các số liệu, không chỉ phục vụ cho các cơ quan điều tra nước ngoài mà còn để phục vụ tốt cho chính doanh nghiệp.
Theo Đức Dũng
Báo tin tức